KINH NGHIỆM HỌC THẠC SĨ Ở MỸ.

Nhìn chung, học ở Mỹ sẽ khác với học ở Việt Nam rất nhiều. Ở Việt Nam, bạn chỉ cần nghe thầy cô giảng trên lớp, ghi chép chăm chú, hấp thu kiến thức được dạy là sẽ ổn. Suốt mấy năm học đại học ở Việt Nam, ngoài sách giáo trình (chỗ đọc chỗ không), thì mình chẳng đọc được quyển sách nào khác. Còn ở Mỹ, muốn kết quả tốt, bạn phải học thật chủ động, liên tục đặt câu hỏi, và đọc nhiều sách.
Nói chung, học thạc sĩ ở Mỹ, KHÔNG NÊN NGHĨ QUÁ NHIỀU TỚI ĐIỂM SỐ, mà nên nghĩ MÌNH BỎ TIỀN RA HỌC ĐỂ LẤY KIẾN THỨC (dù bạn có học bổng đi nữa, thì vẫn là công sức lao động kiếm học bổng đúng không?). Cho nên, bạn cần liên tục học và hỏi, để làm rõ các kiến thức, đảm bảo xứng đồng tiền bát gạo bỏ ra. Nghĩ như vậy thì lập tức thái độ học hành sẽ máu lửa, có trách nhiệm hơn hẳn.
Sau đây là một số kinh nghiệm cá nhân của mình khi đi học.
1. KHI HỌC KỲ MỚI BẮT ĐẦU.
Thông thường các giáo sư bao giờ cũng gửi trước nội dung khóa học (cho kỳ đó), gọi là syllabus. Sách (textbook) để chuẩn bị sẽ được ghi ra cụ thể, có loại bắt buộc, có loại tham khảo. Nói chung mỗi kỳ học cho mỗi môn, đọc 1-2 quyển sách là bình thường. Syllabus của giáo sư sẽ ghi rất rõ cách tính điểm, và những bài tập yêu cầu trong toàn khóa (assignments). Cho nên, khi bắt đầu khóa học, ngoài việc chuẩn bị giáo trình, bạn cần nhớ đọc kĩ thật kĩ YÊU CẦU CÁC BÀI LUẬN (và deadline nếu có) và yêu cầu của các giáo sư để biết họ kỳ vọng gì ở sinh viên.
2. TRƯỚC BUỔI HỌC.
Thông thường các giáo sư luôn gửi các tài liệu đọc để chuẩn bị cho mỗi buổi học. Số lượng cần đọc thì tùy vào mỗi giáo sư và vào môn học, trung bình trước một buổi học, mình cần đọc tầm khoảng 30-80 trang sách. Nghe thì có vẻ rất kinh, nhiều bạn nhìn thấy sợ khỏi đọc luôn, nhưng bắt buộc phải đọc, vì nó vô cùng quan trọng.
Thực ra bạn không cần phải đọc kiểu nghiền ngẫm hiểu từng câu từng chữ, mà sẽ dùng cách đọc để lấy ý. Hiểu ý chính và đặt câu hỏi khi đọc vô cùng quan trọng. Khi bạn đọc nội dung, tóm lược trong đầu ý chính của mỗi phần, và đặt bất kì câu hỏi nào mà bạn thấy thắc mắc, càng nhiều càng tốt. Có thể ghi chú câu hỏi ra vở, để đến lớp đặt câu hỏi.
Giáo dục ở Mỹ không phải là chỉ đọc sách giáo trình rồi học thuộc, mà bạn phải học cách đọc và tư duy, liên tục thắc mắc và đặt câu hỏi, nói chung không có cái gì là chân lý tuyệt đối đúng cả.
3. TRONG LỚP HỌC.
Một trong những tiêu chí đánh giá điểm của bạn, chính là cách bạn tham gia thảo luận trên lớp. Bạn càng đặt nhiều câu hỏi và tham gia tranh luận, bạn sẽ càng ghi điểm với giáo sư (tất nhiên là ở mức độ phù hợp và tôn trọng người khác, chứ đừng không hỏi cũng nói, liên tục ngắt lời người khác).
Một trong những thử thách lớn nhất với sinh viên quốc tế, đặc biệt là sinh viên Việt Nam, là việc NGHE HIỂU và tham gia THẢO LUẬN trên lớp. Rất nhiều bạn thi IETLS điểm vượt yêu cầu của trường, nhưng vào lớp ngồi nghe giáo sư và các bạn Mỹ tranh luận thì đúng là như vịt nghe sấm. Cho nên, khi đi học ở Mỹ hay ở nước nào cũng thế, bạn phải liên tục trau dồi khả năng nghe bất kì khi nào có thể, đặc biệt là ngoài giờ học trên lớp.
Thế nhưng, khi lên lớp, nếu không nghe được bạn phải làm gì? Phản ứng thông thường là chán, bị mất phương hướng, không hiểu bài. Cho nên, mình gợi ý bạn cần:
a. Tập trung cao độ, đừng cố nghe từng từ, mà bắt lấy từ chính, và cố gắng nắm ý. Việc đọc trước bài đọc ở nhà sẽ giúp bạn rất nhiều trong việc nghe hiểu trên lớp, vì thông thường sẽ xoay quanh nội dung liên quan.
b. Tập trung bằng cách NGHE ĐỂ ĐẶT CÂU HỎI. Nếu bạn chỉ nghe để nghe hoặc chép lại, khả năng cao là cái tai và não sẽ rất mệt, ù ù cạc cạc chỉ sau mười phút. Cho nên, bạn phải nghe, và tưởng tượng là mình sẽ nghe để ĐẶT CÂU HỎI cho bạn cùng lớp khi họ phát biểu, hoặc đặt câu hỏi cho bài giảng của giáo sư. Nói chung đây là cách nghe CHỦ ĐỘNG, chống buồn ngủ và giảm mất tập trung. Cố gắng như vậy chỉ một kỳ thôi, bạn sẽ thấy khả năng nghe tăng vùn vụt.
Nhiều bạn cũng gợi ý là nếu không nghe được thì ghi âm lại buổi học, về nghe lại. Theo mình cách làm này rất mất thời gian, và sẽ có thể khiến bạn trở nên ỷ lại, mất tập trung trong lúc nghe bài giảng. Tốt nhất là cố gắng nghe chủ động, nghe hiểu ý, nghe để ĐẶT CÂU HỎI. Cách này sẽ mất rất nhiều thời gian giai đoạn đầu, nhưng hiệu quả về lâu dài.
4. XỬ LÝ CÁC BÀI LUẬN.
Xử lý deadline các bài luận cho thấy khả năng quản lý thời gian của bạn. Thông thường, mình sẽ không đợi tới gần đến hạn nộp bài mới làm, mà sẽ chuẩn bị từ trước đó rất lâu. Trong syllabus của giáo sư, bao giờ cũng có phần các bài luận cần xử lý. Có những giáo sư cẩn thận, sẽ mô tả rất kĩ, gửi yêu cầu các bài luận ngay từ đầu khóa học. Dựa trên những yêu cầu này, mình sẽ chuẩn bị tìm kiếm các tài liệu liên quan để làm bài ngay từ những tuần đầu khóa, và bắt đầu viết bản nháp. Bản nháp thường sẽ căn để hoàn thành đâu đó gần 2 tuần trước deadline; 1 tuần trước deadline, nếu bạn viết kém, thì sẽ mang bài tới Writing Center, nhờ họ sửa giúp lỗi ngữ pháp hay lỗi dùng từ. Sau đó dành tuần cuối về viết và chau chuốt lại bài và nộp. Nếu bài luận nào bạn cũng cẩn thận như vậy, thì chắc chắn là sẽ đạt điểm A.
5. LỜI KẾT.
Giáo sư của mình có nói một câu này, mình thấy rất xác đáng. Bác ấy bảo: nhiều người đi học thạc sĩ, chỉ lấy điểm cao làm trọng, mà quên mất không xây dựng quan hệ tốt với các giáo sư, người sẽ cho họ lá thư giới thiệu về sau này. Mình thấy rất đúng. Nhưng khác với học ở Việt Nam, xây dựng quan hệ là đến nhà với quà cáp, ở Mỹ, bạn đừng mong sẽ có chuyện đó. Bạn có thể tặng giáo sư món quà nhỏ mang phong vị Việt Nam là được.

Khác với phần đa giảng viên đại học Việt mà mình thấy (tạo ấn tượng xa cách, bề trên và không thực sự welcome mọi câu hỏi của sinh viên, các giáo sư ở Mỹ phần đa rất cởi mở với sinh viên, và họ luôn có giờ làm việc với sinh viên trong tuần (ghi rõ trong syllabus). Thế nên, mỗi kì, cố gắng xin gặp riêng họ ít nhất một lần (hoặc nhiều hơn càng tốt), để hỏi thêm về các kiến thức liên quan bạn muốn tìm hiểu, hay về bài vở…Trước khi tới, tốt nhất là email trước để họ biết. Trong lớp, cố gắng nói nhiều và tham gia tranh luận nhiều nhất có thể, cũng là một cách tạo ấn tượng.

Học thạc sĩ cũng là cơ hội bạn tham gia nghiên cứu. Bạn có thể chủ động hỏi các giáo sư, nếu họ có dự án nghiên cứu nào bạn có thể hỗ trợ. Điều này chắc chắn sẽ giúp bạn học hỏi thêm. Nếu muốn nghiên cứu, viết bài đăng tạp chí, bạn cũng có thể nhờ các giáo sư hỗ trợ. Nếu muốn học từ thạc sĩ lên tiến sĩ, trong CV của bạn người ta sẽ nhìn xem bạn có cái nghiên cứu nào hay bài báo nào xuất bản chưa, có tham gia thuyết trình ở hội nghị nào không…Cho nên, nếu có ý định học lên tiến sĩ, bạn phải đảm bảo đầu tư thời gian vào việc viết bài nghiên cứu đăng tạp chí, và đăng kí thuyết trình tại các hội nghị vùng hoặc quốc tế (nếu có thể).

Túm lại, quan điểm của mình là, đừng học vì bằng cấp hay điểm số, mà học vì kiến thức. Xuất phát từ quan điểm đó, thái độ học của bạn từ đó cũng sẽ khác. Chúc các bạn thành công!

 

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top